Hiện nay, nhiên liệu hỗn hợp của xăng và cồn, gọi chung là gasohol, được sử dụng ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Brazil là nước đi đầu với chương trình quốc gia ủng hộ cồn từ năm 1975, sử dụng cồn sản xuất từ bã mía để pha vào xăng với tỷ lệ đến 20%, thậm chí có thể lên tới 30 – 40% dùng trong ngành vận tải. Tiếp theo là Mỹ, bắt đầu thử nghiệm gasohol vào năm 1976 sau đợt khủng hoảng năng lượng vào năm 1973. Từ năm 1978, Mỹ đã công nhận lợi ích của cồn trong nhiên liệu và dùng biện pháp giảm thuế đối với xăng pha cồn nhằm khuyến khích phát triển thị trường nhiên liệu này. Ở các nước Châu Âu, Châu Mỹ, gasohol đã được sử dụng trong nhiều năm qua với tỉ lệ cồn khoảng 10%.
Từ năm 2000, ở Thái Lan và một số nước trong khu vực bắt đầu sử dụng xăng pha cồn với tỷ lệ 15% cùng với việc triển khai nhiều dự án sản xuất cồn etylic với quy mô công nghiệp lớn, từ rỉ đường, bã mía…Thái Lan cũng đã tổ chức một cuộc họp quốc tế về chủ đề này vào tháng 9 – 2004 tại Băng cốc.
Nếu pha thêm 10% cồn vào xăng mà vẫn bảo đảm họat động bình thường của các lọai động cơ sử dụng xăng, điều đó có nghĩa VN sẽ giảm 10% nguồn nhiên liệu phải phụ thuộc nước ngòai…
Một trong những nhà cung cấp xăng dầu lớn ở phía Nam, Saigon Petro đang đau đầu vì gần như hàng ngày, biến động giá dầu thô ngày một tăng của thế giới làm giá xăng dầu trong nước tăng trung bình 500 đồng/lit..
“Mỗi tháng, mức tiêu thụ của SG Petrol khỏang 40.000-50.000 mét khối tổng các loại xăng dầu, trong đó, nhập khẩu chiếm một nửa. Do đó, tìm ra một loại nhiên liệu tái tạo mới, như gasohol (xăng pha cồn), có tính bền vững, giá thành hợp lý để thay thế là một bước đi đúng...”. Ông Chu Văn Tường, Trưởng Phòng kế họach-Saigon Petro, nói. Ông Tường tỏ ra tâm đắc với đề tài nghiên cứu sản xuất “loại xăng với hàm lượng cồn 10% có chất lượng tương đương xăng không chì A92” mà nhóm nghiên cứu thuộc Phân viện Khoa học vật liệu TP.HCM đã bảo vệ thành công trước hội đồng nghiệm thu khoa học tại Sở Khoa học- Công nghệ TP.HCM vào đầu tháng Tư này.
… Từ phòng thí nghiệm
Với công thức khoảng 31% condensate (tạm hiểu là xăng nhẹ) có nguồn gốc từ mỏ Bạch Hổ và mỏ khí Nam Côn Sơn, 10% cồn ethylic lọai khan (99,50) và một số phụ gia khác, nhóm nghiên cứu đã tìm ra tỷ lệ thích hợp để pha trộn cồn vào xăng nhưng vẫn đạt được hiệu quả tối ưu. Th.S Phạm Việt Hùng, thuộc nhóm nghiên cứu đề tài “xăng pha cồn“ ở Phân Viện Khoa học Vật liệu TPHCM, cho biết Gasohol mà Phân viện tạo ra sử dụng tốt cho động cơ đốt trong mà không cần cải tạo động cơ, không độc hại và hoàn toàn có thể được sản xuất từ các nguồn gốc tự nhiên.
“Việc sử dụng xăng pha cồn ethylic không chỉ đóng góp tích cực trong việc bảo vệ môi trường mà còn tạo thêm công ăn việc làm. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành mía đường vì cồn ethylic có thể sản xuất từ các phụ phẩm nông nghiệp,” Ông Chu Văn Tường, trưởng phòng kế hoạch Cty Saigon Petro, cho biết.
… Đến đi vào cuộc sống
Tuy đã nghiên cứu được tỷ lệ phối trộn cồn vào xăng, nhưng rồi lại nảy sinh cái khó khi áp dụng vào thực tế. Nước ta không có nhà máy sản xuất cồn khan ở 99,50. Theo ước tính của các chuyên gia, trong giai đoạn khởi động để cộng đồng quen dần với việc sử dụng xăng pha cồn, hàng năm VN cần khoảng 400 ngàn tấn xăngvà 40 ngàn tấn cồn (tương đương khỏang 400 triệu lít cồn). Thế nhưng, “hiện một trong những nhà máy mía đường lớn nhất của ta, nhà máy Lam Sơn, Thanh Hoá, cũng chỉ có công suất 25 triệu lit cồn/năm…”, ông Lê Kim Diên nói
Thêm một cái khó nữa, đó là việc Nhà nước chưa ban hành tiêu chuẩn chất lượng Gasohol. Từ đó, các công ty kinh doanh xăng, dầu cảm thấy khó đưa sản phẩm mới này vào thực tế…. Ngoài ra, để triển khai, không chỉ phải xây dựng một bộ tiêu chuẩn, Nhà nước phải có những chính sách trợ giá, vì nếu đến một lúc nào đó, khi giá dầu thô xuống thấp, chi phí giá thành xăng pha cồn sẽ cao hơn. Một lít xăng pha cồn có thể sẽ khoảng 7000 đồng/lit. Thậm chí nếu giá dầu thô có cao, Nhà nước vẫn cần có sự điều chỉnh hỗ trợ nhằm hạn chế xuất khẩu cồn, để giữ giá cồn ổn định đối với mặt bằng trong nước.
Đề tài nghiên cứu về xăng pha cồn của Phân viện Khoa học Vật liệu TP.HCM là một phần trong “Chương trình năng lượng tái tạo” - một chương trình cấp Quốc gia. Một đề tài khác có liên quan thuộc chương trình này hiện cũng đang được triển khai nghiên cứu, đó là đề tài “Xây dựng công nghệ pha chế nhiên liệu sinh học có pha ethanol (cồn) với một số hợp phần đi từ dầu thực vật biến tính” do ông Lê Kim Diên, thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển của Cty Phụ gia dầu mỏ, Hà Nội, làm chủ nhiệm đề tài. Theo ông Lê Kim Diên, Chính phủ đang tiến hành các bước cuối cùng của việc xây dựng dự án tiền khả thi cho chương trình này.
…. Gasohol giúp bảo đảm an ninh năng lượng
Theo Th.S Phạm Việt Hùng, về mặt kỹ thuật, tăng thêm 10% cồn vào xăng, hiệu suất nhiên liệu tăng và do hàm lượng oxy trong cồn cao nên giúp xăng được đốt sạch hơn, giảm khí thải CO, CO2, ít tác động đến môi trường hơn so với xăng thông thường. Về mặt kinh tế, ngoài việc hàng năm chúng ta tiết kiệm được hàng trăm triệu USD từ việc giảm nhập khẩu xăng, giúp hạ giá xăng nội địa, các phế thải nông nghiệp còn có nhiều cơ hội được tận dụng qua việc phát triển công nghiệp sản xuất cồn, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội và tăng thu nhập cho nông dân.
Điều quan trọng hơn nữa, đó là vấn đề an ninh năng lượng. Hiện nay, hầu như nguồn nhiên liệu xăng dầu đưa vào sử dụng trong cuộc sống ở nước ta đều phải nhập khẩu. Thế nhưng, theo cảnh báo của một số các nhà khoa học, trữ lượng xăng dầu trên thế giới chỉ còn đủ trong … 50 năm tới! Do đó, ngoài việc bị ảnh hưởng do sự biến động của giá cả, các nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu xăng dầu không chủ động được nguồn nhiên liệu. Phối trộn 10% cồn vào nhiên liệu xăng, có nghĩa là VN giảm được 10% phụ thuộc nguồn năng lượng của nước ngoài.
Theo www.vnn.vn ngày 12/4/2005
No comments:
Post a Comment