Wednesday, December 16, 2009

Điện mặt trời

Th Tư, 25/11/2009, 06:44 (GMT+7)

Sử dụng điện mặt trời: Giảm phụ thuộc điện lực

TT - Trong hai năm qua, tại TP.HCM có ngôi biệt thự ở 72/1 Nhất Chi Mai, P.13, Q.Tân Bình của ông Trịnh Quang Dũng - trưởng phòng phát triển điện mặt trời (Phân viện Vật lý TP.HCM) - đã tự sản xuất khoảng 6.400 kWh điện, phục vụ nhu cầu điện sinh hoạt của gia đình từ 42 tấm pin năng lượng mặt trời.

Ông Trịnh Quang Dũng rửa các tấm pin mặt trời để chúng hấp thu ánh nắng tốt hơn - Ảnh: Thuận Thắng

Hiện nay, theo ông Trịnh Quang Dũng, mỗi tháng gia đình ông chỉ trả tiền điện cho nhà đèn khoảng 700.000 đồng, còn lại hệ điện mặt trời ông đã lắp đặt cung cấp 250-300kWh điện/tháng. Ông nói vui nhà ông chẳng bao giờ biết mất điện dù nhà đèn có cúp điện bao lâu đi nữa. Bởi hầu hết thiết bị điện trong nhà như tivi, đèn, quạt... đều dùng điện mặt trời. Chỉ còn máy lạnh, bình điện đun nước nóng là dùng nguồn điện lưới quốc gia (EVN).

Chất lượng ngang điện quốc gia

"Việc đầu tư sử dụng điện mặt trời hiện nay chưa mang lại lợi nhuận gì cho gia đình tôi. Nhưng nếu Nhà nước có chính sách thì không chỉ có gia đình tôi mà có thể sẽ xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn ngôi nhà dùng điện mặt trời như gia đình tôi.

Ví dụ, có chính sách cho hòa điện mặt trời với điện lưới. Hộ dân sẽ gắn loại đồng hồ hai chiều giống như ở Đức. Đến cuối tháng, nếu đồng hồ báo chỉ số dương thì hộ dân phải trả tiền mua điện, còn ngược lại thì hộ dân sẽ được nhận tiền bán điện từ nguồn điện mặt trời dư thừa không sử dụng hết. Như vậy, vô hình trung giá điện mặt trời sẽ rẻ đi.

Hiện nay, tính ra tôi làm ra 1W điện mặt trời có giá thành khoảng 8-9 USD, còn nếu có chính sách bán điện mặt trời cho điện lưới nhà nước thì giá thành còn khoảng 5 USD".

Ông Trịnh Quang Dũng

Theo tính toán của ông Dũng, với nhu cầu sử dụng nước nóng của gia đình, để đun bằng điện mặt trời phải đầu tư thêm một hệ điện mặt trời khoảng 10 triệu đồng. Còn nếu nâng công suất thiết kế của hệ điện mặt trời lên gấp ba lần hiện có thì nhà ông sẽ hoàn toàn "thoát ly" sử dụng nguồn điện của EVN.

Cái được của hệ điện mặt trời ở ngôi nhà là chủ động được nguồn điện, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Còn chất lượng điện từ nguồn điện mặt trời ngang bằng với chất lượng điện lưới quốc gia - ông Dũng khẳng định.

Ông Dũng cho biết mới lắp đặt một thiết bị cho phép điện mặt trời hòa vào điện lưới. Khi hệ điện mặt trời cung cấp thiếu hụt 20% nhu cầu điện cho ngôi nhà thì "thiết bị thông minh" này sẽ tự động lấy đủ lượng điện từ nguồn điện lưới quốc gia để bù đắp lượng điện thiếu hụt. Còn nếu lượng điện từ hệ điện mặt trời dư thừa thì thiết bị đó đưa vào trữ ở các bình ăcquy như một nguồn dự phòng.

Muốn nhân rộng, cần hỗ trợ

Hệ điện mặt trời nhà ông Dũng hiện có công suất 2kW, đầu tư thiết kế tốn khoảng 20.000 USD. Nhưng theo ông Dũng, giá cả hiện nay có mềm hơn đôi chút, có thể giảm khoảng 2.000 USD so với lúc ông lắp đặt.

Ông Dũng cho rằng giá cả đầu tư ban đầu cho một hệ điện mặt trời hiện còn cao nên nhiều gia đình chưa mặn mà đầu tư sử dụng. Vì thế gia đình ông Dũng vẫn dùng điện lưới quốc gia để đun nước nóng, chạy máy lạnh. Song ông khẳng định xu hướng sử dụng các nguồn năng lượng mới, trong đó có năng lượng mặt trời, là tất yếu.

Nhiều quốc gia đã và đang lao vào cuộc chạy đua này. Cộng đồng châu Âu đã hoàn tất chương trình 600.000 mái nhà điện mặt trời và tuyên bố sau năm 2020 sẽ cho ra đời loại nhà "zero house", nghĩa là những loại nhà này khi xây lên phải tự đảm bảo điện, không lấy từ nguồn điện lưới. Riêng nước Đức có gần 300.000 mái nhà điện mặt trời và dự kiến đến năm 2020 sẽ đảm bảo 47% năng lượng mới (năng lượng gió, năng lượng mặt trời...) so với tổng nhu cầu năng lượng chung.

"Trong khi đó, nguồn năng lượng mặt trời vốn rất có tiềm năng ở VN, ở Đức phải làm công suất gấp đôi thì mới bằng nước ta vì nguồn năng lượng mặt trời chúng ta rất mạnh, dồi dào. Do đó, nếu giá điện mặt trời ở Đức là 10 USD/watt thì chúng ta làm ra chỉ mất 5 USD. Đấy là một ưu thế thì tại sao chúng ta không khai thác?" - ông Dũng đặt vấn đề

Theo ông Dũng, vấn đề then chốt hiện nay ở VN là Nhà nước cần có chính sách khuyến khích người dân sử dụng năng lượng mới. Bởi lợi ích của điện mặt trời đã được thế giới chứng minh. Nước nào có chính sách tốt thì nước đó phát triển rất tốt năng lượng tái tạo, không chỉ là điện mặt trời. Chẳng hạn, ở Trung Quốc có chương trình Ánh dương tài trợ 50% kinh phí xây dựng hệ điện mặt trời ở nông thôn, còn ở thành thị tài trợ 30%. Ở TP.HCM nếu có 1 triệu hộ dùng điện mặt trời thì điện lực giảm được một gánh nặng lớn cho ngành điện.

QUỐC THANH

Xu hướng tuyệt vời cho điện mặt trời

Giá điện mặt trời toàn cầu sẽ giảm tới 50% trong năm 2009, giúp thị trường điện mặt trời toàn cầu mở rộng. Đó là theo khảo sát của Hãng tư vấn năng lượng Anh New Energy Finance. Theo bà Jenny Chase - giám đốc nghiên cứu tại New Energy Finance, từ đầu năm 2009 đến nay chi phí điện mặt trời đã giảm 160 USD/MWh trên thị trường thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do giá các tấm pin năng lượng mặt trời giảm mạnh trong năm qua. Giá silic - vật liệu tốt nhất để chế tạo pin mặt trời - hiện chỉ còn 60 USD/kg (ba năm trước có giá khoảng 300 USD/kg) và sẽ còn giảm nữa trong thời gian tới. "Đây là một xu hướng tuyệt vời chưa từng xảy ra. Giá điện mặt trời giảm mạnh, các thị trường mới đang mở cửa. Nhu cầu điện mặt trời chắc chắn sẽ tăng mạnh" - bà Chase khẳng định.

Trong khi đó, vào tháng 7-2009 Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết theo sáng kiến Mặt trời vàng, Bắc Kinh đã chọn thực hiện 294 dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 642MW, với tổng đầu tư khoảng 2,93 tỉ USD. Tất cả dự án này sẽ được hoàn thành trong vòng ba năm và được trợ giá 50% chi phí lắp đặt và truyền tải điện. Ngày 23-11, Bộ Năng lượng mới và năng lượng thay thế Ấn Độ tuyên bố sẽ tăng năng lực điện mặt trời từ mức gần 5MW hiện nay lên đến 1.100MW trong giai đoạn 2010-2013 và sẽ đưa năng lực điện mặt trời lên 20.000MW vào năm 2020, với tổng chi phí lên đến 19 tỉ USD.

Các quốc gia khác trong khu vực cũng đang tham gia cuộc chạy đua năng lượng mặt trời. Giữa tháng 11, Viện Nghiên cứu năng lượng mặt trời Singapore bắt đầu thực hiện dự án trị giá 130 triệu USD để nghiên cứu phương thức thu năng lượng mặt trời hữu hiệu nhất, phát triển các vật liệu rẻ để sản xuất pin mặt trời, tìm cách giảm giá thành hệ thống điện mặt trời và tích hợp hệ thống này vào các tòa nhà cao tầng. Chính phủ Singapore đang lên kế hoạch xây thêm các nhà máy để nâng năng lực điện mặt trời của nước này lên 5MW so với mức 1MW hiện nay.

Còn Nhật Bản vừa chỉ định một nhóm các tập đoàn điện tử hàng đầu nước này cùng hơn 130 nhà khoa học cấp cao nghiên cứu dự án xây trạm điện mặt trời trị giá 21 tỉ USD trên quỹ đạo (SSPS) với công suất thiết kế khoảng 1GW và truyền điện về Trái đất bằng tia laser hoặc vi sóng từ năm 2030.

HIẾU TRUNG (Theo Straits Times, Reuters, THX)


Th Sáu, 27/11/2009, 06:10 (GMT+7)

Khuyến khích sử dụng điện mặt trời

TT - Báo Tuổi Trẻ ngày 25-11-2009 đăng bài: "Sử dụng điện mặt trời: giảm phụ thuộc điện lực". Bài báo đã đặt ra nhiều vấn đề mà tôi rất tâm đắc. Nhiều năm qua tôi luôn trăn trở tại sao nước mình không khuyến khích người dân dùng điện mặt trời?



Các tấm pin mặt trời trên mái nhà ông Phan Thanh Diện - Ảnh: T.D.

Giống như ông Trịnh Quang Dũng trong bài báo nói trên, tôi có lắp ba hệ thống điện mặt trời tại biệt thự của mình từ năm 2006. Trong đó, một hệ thống hòa trực tiếp điện lưới, một hệ thống độc lập lưu điện vào bình ăcquy và một hệ thống chiếu sáng tự động. Công suất tổng cộng khoảng 3kW.

Nếu trời nắng, mỗi ngày tôi thu được 10-15kWh điện năng. Khi mất điện lưới (ngành điện cúp điện), nếu bình ăcquy đã nạp đủ thì hệ thống độc lập có thể đủ điện dùng từ 15-18 giờ với điều kiện không sử dụng máy lạnh hoặc các thiết bị công suất lớn. Vào những ngày nắng tốt, toàn bộ hệ thống điện mặt trời ở nhà tôi có thể cho 12-15kWh.

Trước đây, khi chưa sử dụng điện mặt trời, mỗi tháng gia đình tôi chi cho tiền điện khoảng 1,2 triệu đồng, từ khi sử dụng điện mặt trời, tiền điện mỗi tháng giảm xuống đáng kể, chỉ còn 500.000 đồng. Thực tế tôi có thể giảm tiền điện hằng tháng xuống nữa, thậm chí không phải trả đồng nào nếu tăng công suất cho hệ thống hòa vào điện lưới của ngành điện.

Vấn đề là nếu công suất của hệ thống hòa vào điện lưới cao có thể xảy ra trường hợp công suất điện mặt trời tạo được lớn hơn tổng công suất tất cả thiết bị đang hoạt động trong nhà. Khi đó, nếu điện kế không có khả năng tính ngược (điện kế một chiều như hiện nay không có khả năng tính ngược, chỉ có điện kế hai chiều mới có khả năng tính ngược), lượng điện dư thừa sẽ không được tính.

Bài báo nói trên ít nhiều đã phân tích được lợi ích của điện mặt trời. Tôi chỉ xin bổ sung ý sau: VN đang thiếu điện nhưng chúng ta đang thiên về kêu gọi tiết kiệm điện chứ không nghĩ ra cách sản xuất điện ở quy mô nhỏ từ năng lượng mặt trời. Đây là nguồn năng lượng vô tận và sạch. Ưu điểm của việc sản xuất điện từ năng lượng mặt trời là các hộ dân tự đầu tư, Nhà nước và ngành điện không phải bỏ hàng ngàn tỉ đồng vào đó.

Tuy nhiên như bài báo trên đã viết, muốn nhân rộng việc sử dụng điện mặt trời cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Tôi thấy Nhà nước cần giải quyết hai điểm quan trọng sau:

1. Thuế nhập khẩu các thiết bị sản xuất điện từ năng lượng mặt trời của VN vẫn cao. Nên chăng Nhà nước miễn thuế hoàn toàn để khuyến khích người dân bỏ tiền đầu tư thiết bị sản xuất điện từ năng lượng mặt trời.

2. Có cơ chế cho phép (ở nhiều nước có tính bắt buộc, ghi thành luật) các hộ dân sử dụng đồng hồ điện hai chiều. Hiện nay, chi phí đầu tư một hệ thống hòa điện lưới không cao. Vấn đề là khi điện mặt trời mạnh nhất (buổi trưa) lại là lúc các hộ dân sử dụng điện ít nhất. Buổi chiều tối khi mọi người cần dùng điện nhiều lại hết nắng.

Nếu không có đồng hồ điện hai chiều thì toàn bộ điện sinh ra ban ngày mà người dân đã hòa vào lưới điện sẽ không được tính. Như vậy người dân thiệt và ngành điện được lợi.

PHAN THANH DIỆN
(Mỹ Phú 1, Phú Mỹ Hưng, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM)

Th By, 28/11/2009, 06:20 (GMT+7)

Nhiều cản ngại khi dùng điện mặt trời

(Viết tiếp ý kiến "Khuyến khích sử dụng điện mặt trời",
Tuổi Trẻ ngày 27-11-2009)

TT - Là một doanh nghiệp chuyên tư vấn, cung cấp và lắp đặt các hệ thống năng lượng mới, tôi thấy sử dụng năng lượng mặt trời ngoài việc không được hỗ trợ từ phía Nhà nước, cơ quan điện lực, còn phải chịu nhiều bất cập từ phía thuế suất và thủ tục hải quan.




Thuế nhập khẩu các thiết bị sản xuất điện từ năng lượng mặt trời cao, dẫn đến giá thành thiết bị cũng cao. Trong ảnh: thiết bị sạc và đổi điện cho hệ thống độc lập tại nhà một người dân sử dụng điện mặt trời -Ảnh: T.D.

Tại các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, từ khi Tổng thống Obama nhậm chức, các chương trình hỗ trợ việc sử dụng năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng mặt trời, được chính quyền tiểu bang và liên bang hỗ trợ về tài chính lên đến 50% trị giá của hệ thống lắp đặt, tùy thuộc công suất và hiệu suất của hệ thống.

Với giá thành của các tấm pin năng lượng mặt trời ngày càng giảm, các thiết bị này được bày bán phổ biến ở siêu thị xây dựng như Home Depot hay Lowe's.

Trông người lại ngẫm đến ta, khi kinh tế nước ta đang trên đà tăng trưởng sau suy thoái, đang rất đói năng lượng, nhưng hiệu suất sử dụng điện cũng như cách quản lý của ngành điện còn quá nhiều bất cập. Để kích cầu việc sử dụng các hệ thống năng lượng mới, lẽ ra thuế suất nhập khẩu các thiết bị hay phụ kiện này phải được ưu đãi với thuế suất 0%, nhưng hiện tại biểu thuế đối với các phụ kiện của hệ thống điện mặt trời còn rất cao.

Ngoài ra biểu thuế của ta chưa cập nhật với các thiết bị tái tạo năng lượng khác như năng lượng gió, năng lượng thủy triều, tạo điều kiện để các nhân viên thuế quan "làm luật" đối với doanh nghiệp. Đó là chưa kể rất nhiều "rào cản" yêu cầu giám định thiết bị cũng như những "thủ tục khó nói" khác khi làm việc với bộ phận hải quan.

Một rào cản khác cũng làm nản lòng nhiều người là khi các đơn vị, cá nhân lắp đặt, sử dụng hệ thống năng lượng mới, họ không có quyền bán lại nguồn năng lượng dư thừa cho cơ quan điện lực. Trong khi đó nếu các đơn vị, cá nhân trữ nguồn năng lượng này bằng hệ thống ăcquy sẽ gây tốn kém và hiệu suất không cao.

Mô hình năng lượng của ta từ trước đến nay quá đặt nặng mô hình tập trung độc quyền, chỉ lo xây dựng các nhà máy điện khổng lồ mà quên những hộ cá thể hay cơ quan tư nhân cũng có thể tham gia sản xuất điện.

Những đối tượng này dù sản xuất điện với công suất nhỏ, nhưng nhiều người tham gia sẽ cho ra nguồn điện với số lượng lớn. Điều quan trọng là họ tự bỏ vốn ra đầu tư sản xuất điện dùng cho nhu cầu gia đình, cơ quan và phần còn dư có thể bán cho ngành điện, góp phần giảm thiểu nạn thiếu điện hiện nay.

ĐỖ BÌNH DƯƠNG (giám đốc - DLV Corp.)

Th Ba, 15/12/2009, 06:18 (GMT+7)

Chúng tôi có ý kiến

Điện mặt trời, giá bao nhiêu?

TT - Sau khi báo Tuổi Trẻ ngày 27-11-2009 đăng bài viết "Khuyến khích sử dụng điện mặt trời" của tôi, nhiều người thắc mắc giá thành của điện mặt trời ra sao? Dưới đây là số liệu trên ví dụ một hệ hòa lưới điện trực tiếp công suất 2.000W (hay 2kW) để mọi người hình dung hiệu quả kinh tế của điện mặt trời.


Các tấm pin mặt trời trên sân thượng của một ngôi nhà ở Q.7, TP.HCM - Ảnh: P.T.D.

Giá pin mặt trời tháng 11-2009 là 2USD/W, tính ra công suất 2kW có giá 4.000 USD, cộng 10% thuế sẽ là 4.400 USD. Bộ đổi điện giá 1.500 USD, cộng thuế 5% thành 1.575 USD. Tổng tiền là 5.975 USD. Nếu đem 5.975 USD gửi tiết kiệm với lãi suất hiện tại 3,5%/năm, mỗi năm chúng ta có 209,12 USD. Nếu dùng số tiền này đầu tư vào điện mặt trời: bình quân mỗi ngày 2kW pin mặt trời có thể cho 7kWh (số liệu cho TP.HCM. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thấp hơn một chút. Ở VN, Bình Thuận và Ninh Thuận có chất lượng nắng cao nhất).

Như vậy một năm có thể thu được 365 x 7 = 2.555 kWh. Kết luận: nếu giá điện bằng 209,12 USD/2555 = 0,082 USD/kWh (quãng 1.514 đồng theo tỉ giá 18.500 đồng/USD) thì hiệu quả đầu tư vào điện mặt trời ngang với gửi tiết kiệm. Với những ai đang trả dưới 1.514 đồng/kWh thì đầu tư vào điện mặt trời không hiệu quả bằng gửi tiết kiệm. Ngược lại, nếu giá điện cao hơn 1.514 đồng/kWh, đầu tư vào điện mặt trời hiệu quả hơn gửi tiết kiệm.

Cần lưu ý thêm là pin mặt trời có thời gian sử dụng trên 20 năm, giá thành pin mặt trời theo xu hướng giảm, còn giá điện theo xu hướng tăng. Đó là chưa kể hiệu quả của việc đầu tư vào điện mặt trời còn phụ thuộc chính sách của Nhà nước. Nhà nước có thể giảm hoặc bỏ thuế nhập khẩu các thiết bị điện mặt trời, hỗ trợ tài chính cho những ai đầu tư điện mặt trời hoặc có chính sách rõ ràng cho việc phát triển điện mặt trời.

Trên thế giới đã có nhiều nước xây dựng nhà máy điện mặt trời công suất lớn. Có thể kể các cường quốc về điện mặt trời như: Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Trung Quốc. Nhà máy lớn nhất đang hoạt động có công suất 60MW đặt tại Olmedilla (Castilla - La Mancha), Tây Ban Nha. Tại Trung Quốc đang thiết kế một nhà máy điện mặt trời công suất 1.000MW (khoảng một nửa công suất dự kiến nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận).

Theo trang Wikipedia http://en.wikipedia.org/wiki/Photovoltaics, chi phí để sản xuất điện mặt trời tại những nước nói trên khoảng 0,25 USD/kWh. Dự đoán cuối năm 2011 sẽ chỉ còn 0,15 USD/kWh, thậm chí 0,10 USD/kWh ở những vùng nắng nhiều. Kỹ sư trưởng Công ty General Electric còn dự đoán giá thành điện mặt trời tại Mỹ sẽ ngang bằng với điện thông thường vào năm 2015.

Việt Nam khá giàu các nguồn năng lượng tái tạo. Chúng ta đã phát triển rất mạnh thủy điện, bước đầu khai thác phong điện. Hi vọng trong tương lai gần chúng ta sẽ có thêm điện mặt trời phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Muốn vậy, Nhà nước cần sớm ra quy chế hoạt động cho điện mặt trời cũng như có các chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân bỏ vốn đầu tư làm ra điện mặt trời.

Nếu Nhà nước có chính sách thích hợp, người dân sẽ tự bỏ tiền đầu tư sản xuất điện mặt trời. Khi ấy, Nhà nước đỡ phải chi nhiều vốn đầu tư cho ngành điện. Nếu mỗi tỉnh có 5.000 hộ lắp điện mặt trời công suất 1kW (1.000W) thì công suất điện mặt trời của cả nước sẽ có trên 300MW (300 triệu W). Con số này rất có ý nghĩa khi chúng ta biết Nhà máy thủy điện Trị An có công suất thiết kế 400 MW.

Cần nhấn mạnh một điểm nữa là điện mặt trời không gây ô nhiễm môi trường.

PHAN THANH DIỆN (Q.7, TP.HCM)

....................................

Ý kiến bạn đọc:

* Điện mặt trời nếu xét những yếu tố có lợi về môi trường tính lâu dài là điều nên khuyến khích phát triển. Và điều này cần được sự hỗ trợ từ phía chính sách nhà nước khi cân nhắc chi phí cho việc khắc phục những thiệt hại về môi trường khi xây dựng nhà máy điện.

Còn nếu chỉ tính riêng yếu tố kinh tế cho từng hộ gia đình thì không có lợi. Tác giả tính toán chi phí đã không đưa vào giá khấu hao thiết bị. Nếu tạm không xét đến yếu tố thời giá, và tạm chấp nhận giá điện mua từ lưới điện bằng với giá điện mặt trời, thì xem như mỗi tháng phải chi thêm khoản tiền bằng 5.975USD (tiền đầu tư thiết bị) chia đều cho 20năm x 12 tháng (thời gian tuổi thọ của thiết bị) bằng khoảng hơn 400.000 VNĐ, thay vì chỉ trả tiền điện là 7kwh x 30 ngày x 1.514 VNĐ = 317.940 VNĐ.

Điều này càng cho thấy, muốn khuyến khích sử dụng điện mặt trời, phải cho sự khuyến khích từ nhà nước như giảm thuế nhập khẩu thiết bị, cho vay tiền mua thiết bị, ...

NGUYỄN TUẤN

* Câu nói điện mặt trời không gây ô nhiễm là hoàn toàn không chính xác. Việc sản xuất điện năng thì không có chất thải, nhưng công nghệ sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời thì gây ô nhiễm, vì trong quá trình sản xuất dùng hàng loạt hóa chất hết sức độc hại. Chưa kể đến sau 20-30 năm nữa thì phải xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng, và ai sẽ bỏ tiền ra trả cho việc xử lý đống rác thải khổng lồ này? Đó là câu hỏi cần đặt ra.

An Nguyen

--------------------------------

No comments: